Học viên cao học tại trường ĐHNN-ĐHQG Hà Nội hào hứng tham gia khóa học về Ngôn ngữ học hiện đại – Bộ môn NN&VH Việt Nam

Học viên cao học tại trường ĐHNN-ĐHQG Hà Nội hào hứng tham gia khóa học về Ngôn ngữ học hiện đại

Vào 2 ngày, ngày 11 và ngày 12 tháng 1 năm 2020, Khoa Sau Đại học và Bộ môn Ngôn ngữ Văn hoá Việt Nam Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội đã đồng tổ chức một khoá học về Ngôn ngữ học hiện đại.

Ngày 11 tháng 1 năm 2020, GS Michal Starke, GS đại học Masaryk University (Cộng hòa Séc), một trong những nhà sáng lập ra trường phái cú pháp nanô đã giới thiệu về cú pháp nanô và bước đầu áp dụng vào tiếng Việt. Theo quan niệm cổ điển, hình vị là đơn vị nhỏ nhất không thể phân chia thêm được nữa. Tuy nhiên, cú pháp học hiện đại, đặc biệt là trường phái cú pháp nanô, cho rằng bản thân mỗi hình vị là một cấu trúc cú pháp có thể phân chia thành các tầng bậc khác nhau. Sự ra đời của cú pháp nanô đánh dấu thời điểm mà cú pháp học xâm lấn hoàn toàn lãnh địa của hình thái học.

Ngày 12 tháng 1 năm 2020, GS. Manfred Krifka, GS Đại học Humboldt và là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Leibniz tại Berlin, Đức, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí Theoretical Linguistics (tạp chí ISI), đã giới thiệu về Lý thuyết hành động ngôn từ, trình bày các quan niệm về hành động ngôn từ của một số triết gia như Frege, Stenius, Austin, và Searle. Sau đó phân tích cụ thể hơn về điều kiện sử dụng các hành động ngôn từ, một số phạm trù hành động ngôn từ… và một số phạm trù ngữ dụng khác.

Khoá học được giảng dạy bằng tiếng Anh, có sự trợ giảng bằng tiếng Việt của TS. Phan Thị Huyền Trang (Bộ môn Ngôn ngữ Văn hoá Việt Nam) và TS. Trịnh Hữu Tuệ (Viện Ngôn ngữ học Leibniz tại Berlin, Đức).

Thành phần tham dự bao gồm PGS.TS Lâm Quang Đông (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội), TS. Chử Thị Bích (Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ văn hoá Việt Nam), PGS.TS Lê Hùng Tiến, cũng như đông đảo các bạn nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên đại học cũng như các giảng viên của trường Đại học Ngoại ngữ.

Khoá học không chỉ cung cấp những lý thuyết mới mẻ cho việc nghiên cứu ngôn ngữ trong giai đoạn hiện nay mà còn là một nhịp cầu nối tiếng Việt với ngôn ngữ học thế giới.

Sau đây là một vài hình ảnh của khoá học:

Phan Thị Huyền Trang – Bộ môn NN&VH VN