Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ: Cầu nối ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa – Faculty of Vietnamese & Southeast Asian Language and Culture

Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ: Cầu nối ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là cầu nối văn hóa, mở rộng hợp tác quốc tế và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếng Việt – ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam, một quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng tại Đông Nam Á đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ (thuộc ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam) đã trở thành lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu quan trọng góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

  1. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và vươn ra thế giới

Hiện nay, Việt Nam là thành viên tích cực của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, WTO… Quá trình hội nhập quốc tế đã góp phần làm gia tăng đáng kể nhu cầu học tiếng Việt của người nước ngoài, từ các nhà đầu tư, chuyên gia, đến sinh viên, các nhà nghiên cứu quốc tế… Vì vậy, CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ giữ vai trò chiến lược, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tiến trình hội nhập quốc tế.

Ảnh sinh viên biểu diễn tiết mục múa My home – Vietnam

Tiếng Việt ngày nay không chỉ phục vụ cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mà còn đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài muốn học tiếng Việt để làm việc, nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Hơn thế nữa, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cũng là lĩnh vực nghiên cứu được nhiều học giả quan tâm. Nhiều trường đại học và trung tâm ngôn ngữ trên thế giới đã đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung quốc, Mỹ, Pháp, Nga, Lào, Thái Lan… Đây cũng là nền tảng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu liên ngành giữa các trường đại học trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành học này ra đời trên thế giới.

2. Công cụ của ngoại giao văn hóa

Giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài không chỉ đơn thuần là dạy một ngôn ngữ mà còn là truyền tải cả một nền văn hóa. Thông qua việc học tiếng Việt, người học được tiếp cận với lịch sử, phong tục tập quán Việt Nam. Các lớp học tiếng Việt cũng vì thế trở thành không gian giao lưu văn hóa sinh động, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng cho hợp tác bền vững.

Ảnh sinh viên nước ngoài trải nghiệm trang phục truyền thống Việt Nam

Việc mở rộng, phát triển, giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài góp phần nâng cao sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, cởi mở và hội nhập. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược ngoại giao văn hóa, mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

3. Gìn giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Với khoảng 6 triệu người Việt đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc tổ chức giảng dạy tiếng Việt dành cho thế hệ trẻ trong cộng đồng kiều bào mang ý nghĩa đặc biệt to lớn. Hoạt động giảng dạy này không chỉ giúp các em duy trì và phát triển năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ, mà còn góp phần nuôi dưỡng tình cảm gắn bó với cội nguồn dân tộc và tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.

Ảnh sinh viên trải nghiệm trò chơi dân gian Việt Nam

CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ được thiết kế linh hoạt về chương trình đào tạo, hệ thống tài liệu phù hợp với từng nhóm đối tượng người học. Cách tiếp cận, thiết kế chương trình như vậy góp phần lan tỏa hiệu quả tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

4. Đào tạo nhân lực chất lượng cao và mở rộng cơ hội nghề nghiệp

CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ đã chính thức được phê duyệt tuyển sinh và đào tạo chính quy tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN từ năm 2025. Chương trình đào tạo thiết kế hiện đại, sinh viên có khả năng ứng dụng ngoại ngữ (Anh, Trung, Nhật, Hàn), kết hợp lý thuyết với thực hành. Đồng thời, chương trình cũng trang bị cho sinh viên năng lực sư phạm, hiểu biết liên văn hóa và khả năng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam, sử dụng thành thạo một trong bốn ngoại ngữ (Anh, Trung, Nhật, Hàn) và có nhiều cơ hội làm việc trong các lĩnh vực như: giảng dạy tiếng Việt ở trong và ngoài nước, biên – phiên dịch, nghiên cứu ngôn ngữ – văn hóa, làm việc tại tổ chức quốc tế hoặc doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài… Có thể nói, đây là ngành học có tính ứng dụng cao và nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Ảnh trong lễ ra mắt Chương trình đào tạo Giảng dạy Tiếng Việt như một ngoại ngữ, thuộc ngành Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam

CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ đã cho thấy vai trò quan trọng của ngành trong hệ thống giáo dục và bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc giảng dạy tiếng Việt không chỉ góp phần lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, nghiên cứu và hợp tác toàn cầu. Với định hướng đúng đắn, CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ sẽ là cầu nối ngôn ngữ – văn hóa – con người giữa Việt Nam và thế giới trong tương lai.

Khoa NN-VH Việt Nam và Đông Nam Á