Hành trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài – Những kinh nghiệm không có trong giáo trình
Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là một hành trình nhiều màu sắc thú vị. Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức ngôn ngữ, mà còn là một quá trình tương tác tinh tế, đòi hỏi sự linh hoạt, thấu cảm và sáng tạo của từng giáo viên. Mỗi người học là một cá tính, một đặc trưng riêng về ngôn ngữ, văn hóa và tâm lí nên giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cũng cần trang bị cho mình một số kinh nghiệm nhất định.
1. Kỹ năng nhận diện tâm lý người học – Chìa khóa mở cánh cửa hiệu quả
Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người dạy là nhận diện và thấu hiểu tâm lý người học. Nhiều học viên mới học tiếng Việt thường mang tâm trạng lo lắng, thiếu tự tin và sợ mắc lỗi. Một số khác lại quá kỳ vọng vào việc học nhanh, dẫn đến tâm lý thất vọng khi bản thân tiến bộ không như mong muốn. Những trường hợp như vậy, giáo viên nên bắt đầu buổi học đầu tiên bằng các trò chơi nhẹ nhàng, những câu chuyện đời thường, để giúp học viên cảm thấy thoải mái và gắn kết với lớp học. Khi học viên thấy được sự đồng cảm và cảm nhận thấy không khí học tập thân thiện, họ sẽ sẵn sàng mở lòng, chia sẻ và chủ động hơn trong các hoạt động học tập trên lớp.

2. Xử lý tình huống trên lớp – Khi sự linh hoạt quan trọng hơn giáo án
Trong quá trình giảng dạy, chắc chắn mỗi giáo viên sẽ gặp nhiều tình huống bất ngờ. Chẳng hạn một học viên Nhật Bản đột nhiên bật khóc khi giáo viên hỏi về gia đình của em – sau này giáo viên mới biết em ấy vừa mất người thân và chưa nguôi ngoai được nỗi buồn. Hoặc một học viên đến từ Mỹ từng từ chối học tiếp do cảm thấy “bị xúc phạm” khi thầy cô góp ý liên tục về phát âm. Trước những tình huống này giáo viên cần nhất là giữ được sự bình tĩnh và chân thành. Giáo viên có thể khéo léo dừng bài giảng, mời học viên ra ngoài để trò chuyện riêng. Khi học viên cảm thấy được tôn trọng và lắng nghe, họ sẽ sẵn sàng quay lại lớp học và nỗ lực hơn.

3. Kinh nghiệm dạy các kỹ năng – Học ngôn ngữ là học một sinh ngữ
Hiện nay, việc giảng dạy ngôn ngữ theo đường hướng hành động đã giúp khoảng cách giữa ngôn ngữ lớp học và ngôn ngữ thực tế gần nhau hơn. Điều này được thực hiện bằng việc người học giải quyết các nhiệm vụ giáo viên giao bằng ngôn ngữ đích. Trên cơ sở này, người dạy cần đặt trọng tâm của hoạt động dạy học gắn với tính thực tế và khả năng ứng dụng. Điều này nên thực hiện với tất cả các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Chẳng hạn, với kĩ năng nghe và nói, thay vì chỉ học trên giấy, giáo viên đưa cho học viên những nhiệm vụ cần giải quyết gắn với bối cảnh thực tế như đi ra chợ, vào quán cà phê, đến các khu dân cư. Người học sẽ học cách gọi món ăn, hỏi giá, bắt chuyện với người dân. Qua đó, việc học tiếng Việt trở nên sinh động, gần gũi và có ý nghĩa. Với kỹ năng viết và đọc hiểu, giáo viên khuyến khích học viên viết nhật ký, bình luận các bài hát, phim ảnh hoặc các chủ đề họ yêu thích. Kỹ năng viết không nên chỉ là “viết đúng”, mà còn cần là “viết thật” – thể hiện cảm xúc và suy nghĩ chân thực của người học.

4. Kỹ năng hỗ trợ người học vượt qua sốc văn hóa
Rất nhiều học viên bị “sốc văn hóa – ngôn ngữ” – họ không hiểu tại sao người Việt nói một đằng, hiểu một nẻo; tại sao “dạ” có thể có hàng chục sắc thái khác nhau, hay mới chỉ buổi đầu gặp mặt người Việt đã hỏi tuổi, lương…. Để tránh hoặc giảm thiểu những trường hợp sốc văn hóa như vừa đề cập, giáo viên có thể tổ chức các buổi “chia sẻ văn hóa” định kỳ, mời người Việt đến trò chuyện, hoặc cho học viên đóng vai xử lý tình huống văn hóa. Việc giải thích những ẩn dụ văn hóa giúp người học không chỉ hiểu tiếng Việt, mà còn hiểu người Việt, từ đó vượt qua được cảm giác lạc lõng và tăng thêm động lực học tập.
Giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài không chỉ là người “chuyển giao ngôn ngữ”, mà còn là người đồng hành, người kết nối văn hóa và là cầu nối của sự thấu hiểu. Mỗi lớp học là một câu chuyện, mỗi học viên là một hành trình. Và trong từng hành trình ấy, người thầy cũng không ngừng học hỏi, hoàn thiện và lớn lên.

Nếu các bạn cũng mong muốn trong tương lai trở thành một giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, hãy tham khảo các thông tin sau về một chuyên ngành mới tại trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHGQHN từ năm 2025.
- Giới thiệu về CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ (thuộc ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam) LINK
- Ra mắt CTĐT cử nhân ngành mới Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ (thuộc ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam) LINK

Khoa NN-VH Việt Nam và Đông Nam Á