Hội thảo quốc tế One Asia Hà Nội 2018: Khẳng định hy vọng vào tương lai của Cộng đồng châu Á
This post is also available in: English (English) 한국어 (Korean)
Từ ngày 3 đến ngày 4/8/2018, tại Khách sạn Lotte-Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế One Asia tại Hà Nội 2018 với chủ đề “Hy vọng tương lai” (One Asia Convention Hanoi 2018 – Hope for the Future). Hội thảo do Quỹ One Asia (One Asia Foundation) chủ trì, tài trợ và phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai tổ chức.
Tin tức trên báo chí về sự kiện:
- Báo VnExpress: Link
- Báo VOV: Link
- Báo Thông tấn xã Việt Nam: Link
- Báo Đảng Cộng sản Việt Nam: Link
- Báo Thế giới và Việt Nam: Link
- Báo Mới: Link
- VTV: Link
Hội thảo vinh dự được đón ông Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam, ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Yoji SATO – Chủ tịch Quỹ One Asia (Nhật Bản), ông Setsuzo TANAKA – Giám đốc đại diện ASCO (Nhật Bản), ông Nguyễn Lân Dũng – Giáo sư Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt, ông Al Gore – Nguyên Phó Tổng thống Hoa Kỳ cũng đến tham dự với tư cách là diễn giả chính tại hội thảo.
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, đại diện các đơn vị, cán bộ, giảng viên Trường. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo ĐHQGHN, các cơ quan ngoại giao, cơ quan chính phủ, Đại sứ quán các nước, Quỹ One Asia và các trường đại học.
Phát biểu khai mạc, TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Hội thảo One Asia tại Hà Nội 2018 đại diện cho niềm hy vọng tích cực hướng tới tương lai, một tương lai tươi đẹp của Cộng đồng châu Á, một cộng đồng ngày càng gắn bó chặt chẽ trên cơ sở văn hóa, xã hội, kinh tế và những mối quan tâm, lợi ích chung cũng như những đặc thù của từng quốc gia trên châu lục. Để kết nối các quốc gia thì không thể thiếu ngôn ngữ. Là một trường chuyên đào tạo và nghiên cứu ngoại ngữ trong hơn 60 năm, Trường ĐHNN-ĐHQGHN nhận thức rõ điều này. Việc Quỹ One Asia lựa chọn Trường ĐHNN-ĐHQGHN để cộng tác và đồng tổ chức hội thảo lần thứ 8 chứng tỏ Quỹ hiểu rõ và chia sẻ quan điểm của Nhà trường về ngôn ngữ, nghiên cứu và đào tạo ngôn ngữ, đồng thời khẳng định vị thế của Trường.
Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh phát biểu khai mạc
Ông Yoji SATO – Chủ tịch Quỹ One Asia khẳng định các giáo sư tham gia trình bày tại Hội thảo đều có nhiều hy vọng vào tương lai, và tất cả hội tụ về đây như trong một gia đình ấm cúng. Ông cũng dành lời cảm ơn chân thành đến sự hợp tác của Trường ĐHNN-ĐHQGHN. Những nỗ lực của thầy và trò Nhà trường sẽ ghi lại dấu ấn không thể nào quên trong lịch sử của Quỹ.
Chủ tịch Quỹ Yoji SATO đặt niềm tin vào tương lai của Cộng đồng châu Á
Ông Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam bày tỏ niềm vui khi chủ đề của các báo cáo trong hội thảo lần này đã thể hiện được sự quan tâm đa dạng của các nhà lãnh đạo, quản lý và các nhà khoa học về nhiều vấn đề cấp thiết hiện nay trong khu vực cũng như trên thế giới như: giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường truyền thông, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, nhiều báo cáo đề cập tới những cơ hội cũng như thách thức đặt ra đối với tương lai của Cộng đồng châu Á, trong đó quan hệ về văn hóa, giáo dục, di cư và dịch chuyển lực lượng lao động giữa các quốc gia trong khu vực, khắc phục và giải quyết những bất đồng trên tinh thần hợp tác, xây dựng, các bên cùng có lợi,… cũng chính là những nguyên tắc, mục tiêu mà Việt Nam theo đuổi nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định, phát triển đất nước, thắt chặt đoàn kết, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, củng cố Cộng đồng ASEAN và hướng tới Cộng đồng châu Á trong tương lai.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam đánh giá cao tính đa dạng và sâu sắc của các báo cáo được trình bày tại hội thảo
Hội thảo One Asia tại Hà Nội 2018 – Hy vọng tương lai đã thu hút hơn 600 đại biểu đến từ 300 trường đại học thuộc 31 quốc gia châu Á và các khu vực khác trên thế giới như: Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam). Đại học Ajou (Hàn Quốc), Đại học Tadulako (Indonesia), Đại học Teikyo Heisei (Nhật Bản), Đại học St. Mary (Mỹ), Đại học Sheffield (Vương quốc Anh), Đại học Y học dân tộc Trường Xuân (Changchun, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc), Đại học Nhân văn Bishkek (Kyrgyzstan), Đại học Build Bright (Campuchia), Đại học Rome La Sapienza (Ý),…
Hội thảo là diễn đàn cho các chính khách, các nhà quản lý và các nhà khoa học chia sẻ kiến thức, ý tưởng, kinh nghiệm, cách làm hiệu quả nhằm thực hiện tôn chỉ của Quỹ là tạo lập Cộng đồng châu Á trong tương lai không xa. Hội thảo bao quát các chủ đề đa dạng như tiến trình hình thành, tạo lập Cộng đồng châu Á, chính trị, kinh tế, môi trường, xã hội, lịch sử, giáo dục, tư tưởng, triết học, tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật, truyền thông và những vấn đề liên quan khác. Diễn giả bao gồm các chính khách và nhà khoa học nổi tiếng thế giới, trong đó có người đã đoạt giải Nobel, những người có hiểu biết uyên bác và tầm nhìn sâu rộng về những điểm tương đồng giữa các nước trong khu vực – một trong những nền tảng quan trọng để tạo lập Cộng đồng châu Á, cũng như những khác biệt, đặc thù của từng quốc gia mà Cộng đồng châu Á có thể khai thác và phát huy. Những chủ đề được đề cập trong hội thảo cũng sẽ xác định những định hướng chiến lược và biện pháp cụ thể mà các nước trong khu vực sẽ hợp tác thực hiện, những vấn đề cần giải quyết, khắc phục để đóng góp vào nỗ lực chung trong tiến trình tạo lập Cộng đồng châu Á.
Tại hội thảo, Nguyên Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đã trình bày báo cáo đề dẫn với chủ đề “Khủng hoảng khí hậu và giải pháp”. Trong đó, ông tập trung vào 3 câu hỏi: Chúng ta có phải thay đổi không? Chúng ta có thể thay đổi không? Và liệu chúng ta có thay đổi không? Ông chia sẻ về tình trạng khí hậu hiện nay với nhiều vấn đề cần quan tâm như: khí quyển bị ảnh hưởng nặng nề, làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, tăng nhanh quá trình nóng lên toàn cầu. Hệ quả là tình trạng đáng báo động như bão lũ, lụt lội, nhiệt độ tăng cao, băng tan, nước biển dâng, hạn hán, cháy rừng, thiếu nước, khủng hoảng di cư do các vấn đề khí hậu… Ông đưa ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng này như: sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời,…); sử dụng điện thoại di động để giải phóng cơ sở hạ tầng điện thoại cố định; sử dụng phương tiện di chuyển chạy bằng điện; pin/ắc quy công nghệ mới; đóng cửa các nhà máy sử dụng chất than để đốt cháy; thực hiện các cam kết liên quốc gia liên quan;…
Trong phần tham luận với chủ đề “Hy vọng tương lai”, Setsuzo TANAKA – Giám đốc đại diện ASCO (Nhật Bản), ông Youen KIM – Giáo sư Trường Đại học Hanyang (Hàn Quốc), ông Nguyễn Lân Dũng – Giáo sư Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Yoji SATO – Chủ tịch Quỹ One Asia (Nhật Bản) đã có những bài luận bàn sâu sắc về tình hình xã hội và châu Á nói chung. Qua các tham luận, các diễn giả đã thể hiện quan điểm các quốc gia châu Á đang hướng tới xây dựng một Cộng đồng đoàn kết, thịnh vượng, ngày càng tốt đẹp hơn.
Có 31 tham luận khác được trình bày trong 4 tiểu ban của hội thảo trong ngày 04/8/2018. Một số chủ đề thú vị có thể kể đến là: Khơi dậy tinh thần châu Á trong sinh viên: Từ loạt bài giảng ngắn hạn đến môn học chính thức trong chương trình đào tạo (Nhóm tác giả ĐH Tadulako), Giáo dục Việt Nam trước cơ hội và thách thức của hội nhập quốc tế (Ngô Minh Thủy), So sánh sự chênh lệch giới tính ở Trung Quốc và Nhật Bản (Zhang Kang-Si), Châu Á trong G20 (Hugo Dobson),… Không chỉ lắng nghe, các đại biểu cũng tích cực trao đổi, phản biện, làm tăng tính tương tác cho hội thảo.
Hội thảo One Asia tại Hà Nội 2018 – Hy vọng tương lai là hội thảo One Asia lần thứ 8 được tổ chức và được đánh giá là thu hút sự quan tâm nhất từ trước đến nay. Đây cũng là hội thảo quốc tế được xem là lớn và tầm cỡ hàng đầu do Trường ĐHNN-ĐHQGHN tham gia tổ chức.
Quỹ One Asia (Nhật Bản) là tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục tiêu góp phần xây dựng một cộng đồng châu Á thống nhất, thịnh vượng. Trong nhiều năm qua, tổ chức này đã tài trợ kinh phí cho rất nhiều cơ sở giáo dục trên thế giới nhằm nâng cao hiểu biết, hỗ trợ nghiên cứu cho sinh viên, giáo viên liên quan đến chủ đề châu Á và thế giới. Từ năm 2016, tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Quỹ đã tài trợ cho Khoa NN&VH Hàn Quốc tổ chức khóa học “Tìm hiểu về cộng đồng Asia” rất thành công. Quỹ One Asia đã phối hợp với các trường đại học nước ngoài tổ chức được 7 hội thảo quốc tế với quy mô lớn. Là một trường đại học có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu ngoại ngữ – cầu nối văn hoá và phương tiện quan trọng để những người nói các thứ tiếng khác nhau có thể hiểu và đồng thuận với nhau, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN vinh dự được phối hợp với One Asia Foundation đồng tổ chức hội thảo lần thứ 8 với chủ đề đầy ý nghĩa này. |
Những hình ảnh khác tại sự kiện:
Lệ Thủy-Đào Trung-Việt Khoa-Đông Lâm/ULIS Media